BÀI TUYÊN TRUYỀN PHỤ NỮ Mất cân bằng giới tính khi sinh thực trạng và giải pháp
BÀI TUYÊN TRUYỀN PHỤ NỮ
Mất cân bằng giới tính khi sinh thực trạng và giải pháp
Kính mời các quý vị đại biểu và các bạn đón nghe bản tin phát thanh của đài phát thanh xã Xuân Phúc.
Chủ đề của bản tin ngày hôm nay là Mất cân bằng giới tính khi sinh thực trạng và giải pháp.
Kính thưa toàn thể các quý vị!
1. Thực trạng về mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam
có đặc điểm khác với những quốc gia khác.
Thứ nhất, xuất hiện muộn hơn nhưng với tốc độ nhanh hơn. Nếu các nước trong khu vực xảy ra từ những năm 1980 thì Việt Nam chính thức tỷ số giới tính khi sinh làm nóng dư luận xã hội là vào năm 2006. Kể từ đó đến nay, tỷ số này luôn trên 110 bé trai/100 bé gái và xu hướng này còn tiếp tục tăng. Có đến 5/6 vùng kinh tế xã hội, 51/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đang ở trong tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo điều tra biến động dân số hàng năm thì tính đến ngày 01/4/2018, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 115,3/100.
Thứ hai, tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta diễn biến phức tạp hơn ở các nước khác. Nếu ở các nước khác, tỷ số giới tính khi sinh hoàn toàn bình thường ở lần sinh thứ nhất và cao hơn ở lần sinh thứ hai. Ở Việt Nam, tỷ số này cao ngay từ lần sinh đầu tiên và cao nhất ở lần sinh thứ ba trở lên (115,5/100). Đối với những gia đình mới chỉ sinh được 2 con gái thì ở lần sinh thứ ba, tỷ số giới tính khi sinh lên tới 130/100.
2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh
Theo kết quả nghiên cứu ban đầu ở Việt Nam, có ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, đó là:
2.1. Nhóm nguyên nhân cơ bản:
Việt Nam là một quốc gia Châu Á có nền văn hóa truyền thống, trong đó tư tưởng Nho giáo đóng vai trò chủ đạo. Một trong những giá trị của Nho giáo là mô hình gia đình truyền thống, trong đó việc nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ là những giá trị nền tảng. Trong văn hóa đó, tâm lý thích con trai trở nên mãnh liệt cho mỗi cá nhân, mỗi cặp vợ chồng, mỗi gia đình và mỗi dòng họ.
Hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi chưa phát triển, nhất là ở khu vực nông thôn, nơi có 70% dân số đang sinh sống. Người già hầu hết không có lương hưu hay trợ cấp xã hội, họ cần sự chăm sóc y tế, tất cả phụ thuộc vào khả năng phụng dưỡng của con cháu, theo quan niệm của gia đình truyền thống trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai. Người già vì thế cảm thấy lo lắng cho tương lai và bất an khi về già khi không có con trai
Tất cả những điều đó đã ăn sâu vào tâm thức của mỗi cá nhân và trở thành một phần của nền văn hóa Việt Nam. Ưa chuộng con trai chính là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng mất cân bằng giới tính ở Việt Nam.
2.2. Những nguyên nhân phụ trợ:
Những chuẩn mực xã hội mới như gia đình quy mô nhỏ 1 đến 2 con cũng tạo áp lực giảm sinh, khi mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 đến 2 con. Điều này dường như xung đột với giá trị văn hóa truyền thống là phải có con trai bằng mọi giá. Chính sự xung đột này đã tạo áp lực cho các cặp vợ chồng: vừa muốn có ít con, lại mong muốn trong số đó phải có con trai. Đây là động lực khiến các cặp vợ chồng tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh.
2.3. Nguyên nhân trực tiếp:
Lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh như: áp dụng một số kỹ thuật trước lúc có thai (chế độ ăn, chọn ngày phóng noãn ), trong lúc thụ thai (chọn thời điểm phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh, lọc rửa tinh trùng để chọn tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y ; hoặc sau khi đã có thai (sử dụng siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối ) để chẩn đoán giới tính thai nhi, sinh kết hợp với phá thai chọn lọc giới tính (nếu là con trai thì để lại, là con gái thì phá đi).
3. Giải pháp:
Tỷ số giới tính khi sinh liên quan đến vấn đề văn hóa, phong tục, tập quán của người dân từ hàng ngàn năm nay nên chúng ta phải ứng xử với việc mất cân bằng giới tính khi sinh như là một vấn đề văn hóa.
Chúng ta không thể nóng vội mà phải làm từng bước, huy động cả hệ thống chính trị và thực hiện đồng bộ các giải pháp, các giải pháp này phải được xây dựng từ thực tiễn đặc thù của Việt Nam và được đúc kết từ các bài học kinh nghiệm của các nước bạn. Để giảm được tỷ số giới tính khi sinh, phải có chính sách ưu tiên đối với phụ nữ, ưu tiên đối với những gia đình sinh con một bề là gái chứ không chỉ dừng lại ở bình đẳng giới.
Cần rà soát sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, tuyệt đối cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính khi sinh. Tuy nhiên, trong tất cả các giải pháp quan trọng nhất vẫn là truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi của người dân. Bên cạnh đó, việc tăng cường cam kết chính trị phải được đặt lên hàng đầu bởi một mình ngành dân số không thể đạt được sự thành công trong việc kiểm soát, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh nếu không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự tham mưu nồng cốt của ngành Dân số KHHGĐ và sự tham gia tự nguyện của người dân.
Việc những người có uy tín trong dòng họ tham gia vào kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ làm giảm bớt áp lực cho thế hệ con cháu, bởi lẽ: Từ lâu, quan niệm phải có con trai để thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người, đặc biệt là với những người có uy tín trong các dòng họ. Nhưng dần dần, ở nhiều dòng họ, tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" không còn nặng nề như trước. Thậm chí, một số dòng họ còn tích cực tuyên truyền chính sách dân số nói chung, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS) nói riêng.
Khi những người có uy tín trong dòng họ tham gia vào việc kiểm soát mất cân bằng GTKS sẽ tạo sức thuyết phục đối với con cháu. Nếu như suy nghĩ của các thế hệ đi trước đã cởi mở thì thế hệ con cháu cũng giảm bớt áp lực, không còn tư tưởng phải có con trai để nối dõi tông đường.
Trên thực tế hiện nay con nào cũng là con, bố mẹ đều phải nuôi dạy như nhau, các con trai gái đều hiếu thuận với cha mẹ. Vậy qua bài viết này đề nghị các bậc cha mẹ bỏ ý định trọng nam kinh nữ, có con gái cũng làm được các việc như con trai.
Xuân Phúc, ngày 15 tháng 7 năm 2023
NGƯỜI VIẾT BÀI
Lê Thị Hoa
Công khai kết quả giải quyết TTHC
ĐIỆN THOẠI HỮU ÍCH
02373.742.289